Trong kinh doanh nên bỏ trứng vào một hay nhiều giỏ?
Khép lại chuỗi câu chuyện của mình bằng những chuyện vui, ông bảo, có lần ông đi gặp một đối tác Úc, một người có tài sản 800 triệu USD. “Ông ấy lấy bánh mì quệt đĩa mứt sạch bóng soi gương được”.
Những câu chuyện thú vị của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái đã tạo nên không khí tranh luận sôi nổi quanh chủ đề “bỏ trứng vào một giỏ hay nhiều”?
Trong một cuộc hội thảo mới đây có tên gọi “CEO và chiến lược đa dạng hóa kinh doanh”, nhiều cử tọa – vốn đã quá quen với câu tục ngữ “không bỏ hết trứng vào một giỏ” – vặn lại ông Đoàn: tại sao bàn về chuyện đa dạng hóa kinh doanh, lại là trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy rủi ro như hiện nay mà ông lại một mực nói rằng: “Chỉ nên bỏ trứng vào một giỏ”(?)
Khi nào có nhiều trứng hẵng hay…
Lôi cuốn người nghe bằng những câu chuyện có vẻ như mâu thuẫn nhau, ông chủ của Tập đoàn Phú Thái kể, có lần đi công tác Hàn Quốc, ông tìm ăn phở Việt Nam do một người Hàn Quốc 100% làm chủ. Ông đã ngỡ ngàng vì nhà hàng chỉ bán một món, không hoàn toàn giống phở Việt Nam, nhưng rất ngon, nhà hàng đảm bảo vệ sinh và phục vụ chuyên nghiệp.
Lần khác nữa, ông gặp một vị khách Nhật chỉ chuyên sản xuất… váng đậu! Thấy mọi người xung quanh đều tỏ ra hết sức trọng vọng ông khách có cái nghề gia truyền đã 5 đời rất giản dị này, ông Đoàn mới tìm hiểu và vỡ lẽ: tuy chỉ làm có một mặt hàng, nhưng doanh nghiệp của ông này có sản lượng và chất lượng sản phẩm đứng đầu thế giới.
Nhưng không đơn thuần chỉ nói chuyện “một nghề cho chín còn hơn 9 nghề”, ông Đoàn tiếp tục kể chuyện đi khảo sát thị trường bánh đậu xanh Hải Dương.
“Ở một doanh nghiệp đã có thương hiệu, mọi thứ từ to đến bé đều phải hỏi đến “cụ” Tổng Giám đốc đã trên 80 tuổi. Thật ra họ cũng chỉ làm có vài mã hàng; chất lượng, bao bì bao nhiêu năm nay vẫn thế, phương thức bán hàng cũng không thay đổi; sản phẩm thì 90% xuất khẩu đi Trung Quốc. Tồn tại mãi với “công thức” đơn giản như vậy thì việc bị làm nhái (như lời doanh nghiệp phàn nàn) không có gì là khó hiểu, chỉ có điều ai muốn “nhái” mà thôi”, Chủ tịch Phú Thái thẳng thắn bình luận.
Vấn đề là ở chỗ đầu tư tập trung không có nghĩa là duy trì một cách làm đơn giản, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác mà không có đổi mới, sáng tạo gì để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Còn làm thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường thì lại phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố khác mà chỉ có chủ doanh nghiệp mới có thể đưa ra chiến lược và đối sách, căn cứ vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình.
Trong khi giải đáp câu hỏi của một cử tọa khác, diễn giả Phạm Chi Lan bày tỏ đồng tình với quan điểm này: “Với khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngay từ đầu tôi đã không tán thành chủ trương đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh. Khi cái bánh thị trường còn nhỏ mà các ông lớn giành làm cả thì khối doanh nghiệp tư nhân chỉ có nhặt vụn bánh! Các doanh nghiệp tư nhân cũng không nên đầu tư dàn trải, nhưng vì một lẽ khác: nguồn lực chưa mạnh, lại phải phân tán vào nhiều lĩnh vực mà chưa chắc đã hiểu biết thấu đáo. Khi nào thực sự có đủ nguồn lực hẵng tính tiếp chuyện mở rộng”.
Một cử tọa tham dự hội thảo nhận xét, thực tế đầu tư của Phú Thái thể hiện đúng phương châm của ông Đoàn. Tuy không chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, nhưng mọi thứ khác ông làm (như logistics) đều xoay quanh, hỗ trợ cho lĩnh vực chính này.
Cần cái nhìn thực tế!
Tuy nhiên, tập trung vào “một nghề cho chín” mới chỉ là một phần của triết lý rộng hơn: biết mình, biết người – nguyên tắc xuyên suốt những kinh nghiệm được ông Đoàn chắt lọc và chia sẻ với đồng nghiệp.
“Vì sao Phở 24 không có lợi nhuận, nhưng họ bán thương hiệu được 20 triệu USD? Đó là nhờ giá trị vô hình họ đã xây dựng được, từ hệ thống cửa hàng, triển vọng trong tương lai cho đến giá trị thương hiệu”…
Bản thân mỗi cá nhân chủ doanh nghiệp cũng là một giá trị, có trường hợp còn là đảm bảo tốt nhất để đối tác quyết định hợp tác kinh doanh.
Ông Đoàn cho biết, khi ký hợp đồng làm đại lý phân phối độc quyền sản phẩm của Caterpillar của Mỹ – tập đoàn máy xây dựng hàng đầu thế giới; đối tác nhất định ký hợp đồng với cá nhân ông (chứ không phải với Tập đoàn Phú Thái), với lý do họ đặt lòng tin vào cá nhân chủ doanh nghiệp, khi thấy người đó đủ năng lực, tư duy, có phẩm chất đạo đức và tính cách đáp ứng được chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.
Tập đoàn Phú Thái hiện thuộc quyền quản lý của ông, nhưng rồi đây có thể lên sàn, sang tên đổi chủ, bán cho nước ngoài… Vì vậy, các doanh nhân phải luôn quan tâm để hoàn thiện chính bản thân mình, nếu muốn tìm được đối tác lớn thực sự.
Phải nhìn thẳng vào một thực tế là các doanh nghiệp của chúng ta còn rất nhỏ. “Phú Thái ở trong nước cũng tạm gọi là to, nhưng so với một tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài lưng vốn đến 400 tỷ USD, gấp mấy lần GDP của Việt Nam, thì chúng tôi chưa là gì cả. Nên xác định chúng ta là những doanh nghiệp nhỏ mà tốt. Và chọn bạn lớn mà chơi (nếu được)”, ông Đoàn hài hước.
Khép lại chuỗi câu chuyện của mình bằng những chuyện vui, ông bảo, có lần ông đi gặp một đối tác Úc, một người có tài sản 800 triệu USD. “Ông ấy lấy bánh mì quệt đĩa mứt sạch bóng soi gương được”.
Tinh thần tiết kiệm, không sĩ diện, “hoành tráng” hão là bài học quý cho nhiều doanh nhân Việt, những người đang thoải mái uống rượu 38 năm, “trong khi tôi chẳng thấy doanh nhân Nhật Bản nào vô tư xài loại rượu đó”. Nếu mỗi người Việt Nam vứt đi chỉ một tờ giấy trắng thôi thì đã có tới 83 triệu tờ giấy bị lãng phí…
Leave a Reply